“Hãy đo đúng và kiểm soát tốt huyết áp để sống khoẻ, sống lâu”

Thứ năm - 26/05/2022 02:07
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, Tăng huyết áp (THA) ảnh hưởng đến sức khỏe của hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới và là yếu tố nguy cơ tim mạch quan trọng nhất liên quan đến bệnh mạch vành, suy tim, bệnh mạch máu não và bệnh thận mạn tính. Năm 2005, trong số 17,5 triệu người tử vong do các bệnh tim mạch thì tăng huyết áp là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong của 7,1 triệu người.
“Hãy đo đúng và kiểm soát tốt huyết áp để sống khoẻ, sống lâu”
Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tỷ lệ tử vong và tỷ lệ mắc bệnh toàn cầu (12,7%), cao hơn các nguyên nhân khác như sử dụng thuốc lá (8,7%) hay tăng đường máu (5,8%). Tần suất tăng huyết áp nói chung trên thế giới là khoảng 41% ở các nước phát triển và 32% ở các nước đang phát triển.
Tại Việt Nam, tần suất tăng huyết áp ở người lớn ngày càng gia tăng. Trong những năm 1960 tỷ lệ tăng huyết áp là khoảng 1%, năm 1992 là 11,2%, năm 2001 là 16,3% và năm 2005 là 18,3%. Theo một điều tra gần đây nhất (2008) của Viện Tim mạch Việt Nam tiến hành ở người lớn (≥ 25 tuổi) tại 8 tỉnh và thành phố của nước ta thì thấy tỷ lệ tăng huyết áp đã tăng lên đến 25,1% nghĩa là cứ 4 người lớn ở nước ta thì có 1 người bị Tăng huyết áp. Với dân số hiện nay của Việt Nam là khoảng 88 triệu dân thì ước tính sẽ có khoảng 11 triệu người bị tăng huyết áp.

Tăng huyết áp nếu không được điều trị đúng và đầy đủ sẽ có rất nhiều biến chứng nặng nề, thậm chí có thể gây tử vong hoặc để lại các di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, sức lao động của người bệnh và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Một số biến chứng chính của tăng huyết áp như:
  • Các biến chứng về tim: Cơn đau thắt ngực, Nhồi máu cơ tim, suy tim…
  • Các biến chứng về não: Xuất huyết não, Nhũn não, bệnh não do THA…
  • Các biến chứng về thận: Đái ra protein, phù, suy thận…
  • Các biến chứng về mắt: Mờ mắt, xuất huyết, xuất tiết và phù gai thị.
  • Các biến chứng về mạch máu: Phình hoặc phình tách thành động mạch, các bệnh động mạch ngoại vi…
 Chỉ có một số ít các bệnh nhân THA là có một vài triệu chứng cơ năng gợi ý cho họ đi khám bệnh như: đau đầu, chóng mặt, cảm giác “ruồi bay”, mặt đỏ bừng, ù tai,…
Các biện pháp tích cực thay đổi lối sống trong điều trị tăng huyết áp: Các biện pháp này được áp dụng cho mọi bệnh nhân để ngăn ngừa tiến triển và giảm được số đo huyết áp, giảm số thuốc cần dùng.
-   Chế độ ăn hợp lý, đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng:
        o   Giảm mặn (< 6 gam muối hay 1 thìa càphê muối mỗi ngày).
        o   Tăng cường rau xanh, hoa quả tươi.
        o   Hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và acid béo no.
-  Tích cực giảm cân (nếu quá cân), duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 đến 22,9 kg/m  .
-  Cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90 cm ở nam và dưới 80 cm ở nữ.
-  Hạn chế uống rượu, bia.
-   Ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá, thuốc lào.
-  Tăng cường hoạt động thể lực  ở mức thích hợp: tập thể  dục, đi bộ hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-45 phút mỗi ngày.
-  Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; cần có chế độ thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý.
-  Tránh bị lạnh đột ngột.


 

Tác giả bài viết: ĐD Bùi Thị Hoa - Phòng ĐD

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc