BÀN VỀ: “NAM DƯỢC TRỊ NAM NHÂN” VÀ “ĐÔNG Y LIỆU ĐÔNG BỆNH”

Thứ hai - 13/12/2021 22:20
Vào một ngày đầu xuân 2010, trong một cuộc trà dư tửu hậu với vị ân sư của tôi - thầy Mai Đình Nguyễn Thiên Tích - Chủ tịch Trung ương Hội Đông y Việt Nam giai đoạn 1990 - 2000, tôi có nêu và xin ý kiến thầy về phương châm của Y học cổ truyền Việt Nam.
Thưa với thầy là hiện tại, con thấy phương châm “Nam dược trị Nam nhân” vẫn còn thiếu một chút gì đó. Trước đây, thời cụ Tuệ Tĩnh thì Tây y (Y học hiện đại) chưa có nên nền Y học cổ truyền Việt Nam chỉ tồn tại 2 mặt Âm - Dương là Nam và Bắc. Vì vậy Người mới đề ra “Nam dược trị Nam nhân” để kết hợp với phái Bắc y nhằm phát triển nền Y học cổ truyền mang bản sắc Việt Nam. Nhờ đó mà nền y học nước nhà phát triển mà vẫn giữ được tính khoa học, dân tộc Việt Nam.
Thời gian sau này, Tây y (y học hiện đại) phát triển và du nhập vào Việt Nam, lúc đó nhiều người ngộ nhận là Đông y Việt Nam đã hết vai trò lịch sử. Nhiều người cấm đoán, phái Tây học phê phán, song Đông y Việt Nam vẫn lặng lẽ tồn tại cùng quần chúng nhân dân Việt Nam. Sau khi nước nhà được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà Lãnh đạo cấp Quốc gia đầu tiên trên thế giới đã chủ trương: kết hợp Đông y và Tây y. Mãi nhiều năm sau này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới chính thức nêu phương châm bảo tồn và phát triển Y học truyền thống trên thế giới, mà cái nôi là y học Phương Đông.
Hơn 60 năm qua, dưới dự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, ngành Đông y Việt Nam đã có những bước phát triển to lớn về mọi mặt: khám chữa bệnh, đào tạo, nghiên cứu khoa học,... Song chính sự phát triển vượt bậc đó cũng đặt ra nhiều thách thức mới, nhiều nguy cơ mới, trong đó có nguy cơ bị Tây y hóa, nguy cơ mất dần bản sắc của Y học cổ truyền Việt Nam, nguy cơ biến kết hợp Đông - Tây y thành hỗn hợp Đông - Tây y ngày một lớn. Và rõ ràng là phương châm “Nam dược trị Nam nhân” đang bị thiếu khuyết so với thực trạng y học nước nhà đương đại.
Sau khi nghe tôi trình bày, thầy tôi ngẫm nghĩ một hồi lâu rồi bất ngờ, Người mới gật đầu và nói: “Phải, phải., Nam - Bắc - Đông - Tây..., thiếu, thiếu một vế đối. Bây giờ phải là: Nam dược trị Nam nhân, Đông y liệu Đông bệnh, mới đủ 2 vế của một câu đối hoàn chỉnh, con ạ. Làm được Đông y liệu Đông bệnh sẽ giải quyết được mọi mâu thuẫn mà con nêu trong quá trình kết hợp Đông - Tây y”. Thế là chúng ta có một câu đối hoàn chỉnh: vế 1 là “Nam dược trị Nam nhân” là lời dạy của Thiền sư Tuệ Tĩnh; vế 2: “Đông y liệu Đông bệnh” là chữ của cụ Mai Đình Nguyễn Thiên Tích.
Mùa xuân 2014, để cổ vũ cho việc phát triển thuốc Nam; phát triển y học cổ truyền, Bộ Y tế chủ trương tổ chức lễ kỹ niệm ngày mất của Thiền sư Tuệ Tĩnh tại Yên Tử, Quảng Ninh khi trình để duyệt nội dung và hình thức buổi lễ, phương châm “Nam dược trị Nam nhân, Đông y liệu Đông bệnh” đã được bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt và lần đầu tiên được trương trên khán đài buổi lễ, và dần được phổ cập trong ngành y dược cổ truyền Việt Nam.
Viện Y dược học dân tộc TP. Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị thực hiện tốt việc kết hợp Đông - Tây y; một trong những đơn vị đầu tiên đón nhận và thực hiện phương châm “Nam dược trị Nam nhân, Đông y liệu Đông bệnh” và đã thu được nhiều thành quả tốt đẹp. Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Viện, tôi viết bài này hy vọng để chúng ta hiểu rõ thêm về “Nam dược trị Nam nhân, Đông y liệu Đông bệnh”, nhằm giúp chúng ta thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn, an toàn hơn trong việc phát triển thuốc Nam và kết hợp Đông - Tây y; phát triển y học cổ truyền mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc Việt Nam như chỉ thị 24 ngày 4-7-2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã nêu rõ.
Về “Nam dược trị Nam nhân”, đã có nhiều bậc tiền bối luận bàn, vì vậy trong khuôn khổ bài này tôi sẽ chuyên bàn về “Đông y liệu Đông bệnh”.
  1. Ngày nay khi Y học hiện đại đã phát triển và đã giải quyết được nhiều bệnh, nhiều vấn đề một cách hiệu quả hơn Đông y như phẫu thuật, can thiệp... Vì vậy đối với những bệnh này Đông y không được và không nên tham gia. Hay như phép dũng thổ xưa kia dùng rất hiệu quả song ngày nay đã có phương pháp rửa dạ dày hiệu quả và an toàn hơn nhiều nên hầu như không dùng pháp này nữa.
  2. Thầy thuốc Đông y ngày nay cũng phải hiểu biết về Tây y thì mới kết hợp có hiệu quả. Để giải quyết vấn đề này, đối với thầy thuốc được đào tạo cả Đông và Tây y, khi sử dụng và đào tạo nâng cao (từ Bác sĩ chuyên khoa cấp 1, Thạc sĩ) nên theo hướng phải chuyên khoa như nội Hô hấp, Tiêu hoá hoặc Phụ khoa thai dưỡng,. để có được những thầy thuốc hiểu biết và có kỹ năng thành thạo cả Đông và Tây Y trong lĩnh vực chuyên khoa đó. Đối với các thầy thuốc chỉ được đào tạo về Đông Y trong các kỳ Đào tạo liên tục cần phải có nội dung của Tây Y (khởi đầu bằng nội dung: những bệnh (theo Tây Y) mà Đông Y không còn được can thiệp, những bệnh nào (theo Tây Y) mà Đông Y có ưu thế và có thể kết hợp.
  3. Chỉ định của việc dùng Đông Y ngày nay:
  • Đơn thuần dùng Đông y: hiệu quả và an toàn phải đảm bảo.
  • Đông y kết hợp với Tây y: hoặc dùng Đông y trước, Tây y sau và ngược lại, hoặc Tây y và Đông y song song cùng dùng, trên nguyên tắc khi kết hợp như vậy thì hiểu quả và an toàn cao hơn khi dùng Tây y đơn thuần.
  1. Sau những bước xác định chỉ định dùng Đông y, khi dùng cụ thể trên người bệnh thì nhất định Đông y phải theo Đông Bệnh. Đây là cốt lõi của của phương châm “Đông y liệu Đông bệnh”, tức là phải giữ Lý pháp - Phương dược theo thể bệnh của Đông y. Nếu Đông y mà theo Tây y thì chữa bệnh sẽ mất tính an toàn, hiệu quả, mất bản sắc của y học truyền thống Việt Nam.
Xin nêu ví dụ: Bệnh viêm niêm mạc dạ dày mạn tính (tên theo Tây y): ngay cả trong Tây y khi chữa cũng phân ra các thể bệnh đối ngược nhau: viêm tăng sinh và viêm teo, loại đa toan và thiểu toan. Những thể này khi dùng thuốc Tây cũng hoàn toàn trái ngược nhau. Bệnh này theo Đông bệnh là chứng Vị quản thống có nhiều thể theo Đông bệnh khác nhau: Tỳ Vị hư hàn, Can Tỳ bất hòa, Đàm nhiệt tại Vị trở tắc... và phép chữa cũng khác nhau. Thuốc của thể bệnh này mà dùng cho thể khác thì bệnh chẳng những không đỡ mà còn nặng lên. Như thế việc “Đông y liệu Đông bệnh” hoàn toàn phù hợp với tư duy logic của Tây y. Trong thời gian qua do nhiều nhân tố mà phương châm “Đông y liệu Đông bệnh” bị vi phạm, đa phần người ta muốn có một loại thuốc Đông y chữa cho mọi loại bệnh viêm niêm mạc dạ dày mà bỏ qua việc phân biệt hàn nhiệt, bỏ qua Lý pháp - Phương dược. Đó là nguy cơ bị Tây y hoá và làm giảm tác dụng và an toàn của Đông y, từ đó mà làm yếu ngành Đông y chúng ta. Việc Tây y hoá Đông y làm vi phạm phương châm “Đông y liệu Đông bệnh” còn diễn ra trong các nghiên cứu khoa học về thuốc Đông Y, các thiết kế trong nghiên cứu khoa học đa phần bỏ qua Lý pháp - Phương dược, bỏ qua các thể bệnh của Y học cổ truyền, ngay cả khi Bộ Y tế đã đưa nội dung: “thuốc Đông y, thuốc cổ truyền, phải ghi tác dụng của thuốc theo y học cổ truyền” vào trong thông tư hướng dẫn đăng ký cấp phép thuốc đông y, thuốc cổ truyền.
Trên đây là một số nội dung cơ bản của “Đông y liệu Đông bệnh”, tôi kỳ vọng trong quá trình kết hợp Đông - Tây y, Viện Y dược học dân tộc TP. Hồ Chí Minh và các đơn vị khác sẽ có những kinh nghiệm, những kinh nghiệm, những góc độ cụ thể hơn, sâu hơn sẽ được tổng kết, phổ biến để Viện nói riêng, ngành Y học cổ truyền nói chung thực sự phát triển góp phần ngày một to lớn vào sự nghiệp kết hợp Đông - Tây y của Đảng và nhà nước.
Tôi viết bài này như một nén tâm hương kính dâng lên sư tổ thiền sư Tuệ Tĩnh và ân sư Mai Đình Nguyễn Thiên Tích./.
TTND.PGS.TS.BS. Phạm Vũ Khánh
(Kỷ yếu 45 năm Thành lập Viện Y dược học dân tộc TP. Hồ Chí Minh)

Hà Nội 20/11/2021
 

Tác giả bài viết: st

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Nội dung trang thông tin điện tử?

Báo cáo bệnh truyền nhiễm
benh truyen nhiem
Đăng ký khám bệnh
http://benhvienyhctkontum.vn/nvform/Dang-ky-kham-benh-truc-tuyen-1/