Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng Kon Tumhttps://benhvienyhctkontum.vn/uploads/banners/files/logo/logo123.png
Thứ ba - 20/08/2024 02:41
Bệnh phong được dân gian biết đến với nhiều tên gọi khác nhau tùy theo vùng miền, như: bệnh cùi (miền Nam), bệnh hủi (miền Bắc), bệnh phung (miền Trung). Bệnh phong là bệnh nhiễm trùng mãn tính do trực khuẩn Mycobacterium leprae gây ra được Nhà bác học nguời Na Uy là Armauer Hansen tìm ra vào năm 1973.
Trực khuẩn phong có ái tính với da và dây thần kinh ngoại biên. Vì vậy, bệnh phong thường có biểu hiện ở da và hoặc dây thần kinh ngoại biên. Biểu hiện ở da thường gặp là các dát/mảng da thay đổi màu sắc kèm mất cảm giác; ở thần kinh ngoại biên xuất hiện tình trạng viêm gây đau nhức, nhạy cảm tùy mức độ tổn thương có thể gặp các biểu hiện: khô da, rụng lông, yếu/liệt các cơ do dây thần kinh đó chi phối, ... Các biểu hiện trên nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra các di chứng tàn tật ở mắt, tay, chân (mắt hở mi, mất cảm giác đơn thuần ở lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc nặng hơn, như: cò, cụt, rụt các ngón tay, ngón chân, yếu/liệt cơ, loét lỗ đáo,...). Khi đã tàn tật, người bệnh sẽ tự ti ngại tiếp xúc, khả năng lao động bị hạn chế,... ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống của người bệnh, trở thành một phần gánh nặng đối với gia đình và xã hội. Cách lây truyền của bệnh phong: - Đường lây: Lây từ người nhiễm bệnh à người, qua tiếp xúc trực tiếp, lâu dài, thường xuyên. Lây qua đường hô hấp, qua da nơi có thương tổn da. - Yếu tố thuận lợi: Miễn dịch qua trung gian tế bào kém, yếu tố môi trường, khí hậu, dinh dưỡng, ... - Đặc điểm lây truyền: Bệnh phong lây ít, lây chậm và rất khó lây, vì: Thời gian sinh sản vi khuẩn chậm: Trung bình 13 ngày, vì vậy thời gian ủ lệnh lâu từ 3 đến 5 năm, thậm chí hơn 10 năm. - Sức đề kháng của trực khuẩn yếu khi ra khỏi cơ thể. - Bệnh nhân nhóm nhiều khuẩn (MB) mới có khả năng lây lan cao. - Phải hội tụ đủ các điều kiện: tiếp xúc với người bệnh đang thải vi khuẩn, có vết thương ở da và miễn dịch trung gian tế bào kém. - Đa hóa trị liệu cắt đứt nguồn lây nhanh chóng (chỉ cần điều trị Rifampicin 5 đến 7 ngày đã tiêu diệt được 99,99% trực khuẩn phong). Khoa Phong – Da liễu thuộc Bệnh viện Y dược cổ truyền – Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum là nơi tiếp nhận, chăm sóc và điều trị những người bệnh phong tàn tật trong toàn tỉnh. Từ lâu, khoa Phong - Da liễu đã trở thành địa chỉ quen thuộc đối với người bệnh phong. Nơi đây, nhân viên y tế là những người bạn, người con sẵn lòng chia sẻ, chữa lành nỗi đau về tinh thần và chăm sóc sức khỏe hàng ngày cho họ. Giúp họ tự tự khẳng định chính mình, vượt lên số phận, vươn lên trong cuộc sống. Với nghị lực “tàn nhưng không phế” và vì cuộc sống mưu sinh, những bàn tay, đôi chân dù không được lành lặn, đủ đầy nhưng họ vẫn hăng say lao động, tự chăm sóc và nuôi sống bản thân, gia đình. Hiện nay, bệnh phong đã được chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, khống chế được sự lây lan. Mặc dù vậy, đâu đó sự kỳ thị trong cộng đồng đối với người bệnh phong vẫn còn. Chúng ta cần có cái nhìn đúng đắn và rộng mở hơn để những người bệnh phong có thể tự tin sống hòa nhập với cộng đồng như bao người. Một số hình ảnh những người bệnh phong tàn tật tại thôn Đăk Kia do khoa Phong – Da liễu quản lý.
Tác giả bài viết: Bs CKI. Ksor Thu, Trưởng khoa Phong - Da liễu, Bệnh viện YDCT – PHCN.